Sáng 9/3, tại Đường sách TP.HCM, diễn ra buổi giao lưu “Về đi con – Những hành trình tiếc nuối” cùng tác giả Mộc Trầm (thầy Thích Đạo Quang). Trong sự kiện, Mộc Trầm đã chia sẻ những câu chuyện sâu sắc về tình người nơi cửa Phật, khiến người nghe vừa cười, vừa rơi nước mắt, vừa suy tư trước những triết lý về cuộc sống.

Tâm sự với Saoviet247, tác giả Mộc Trầm chia sẻ rằng cuốn sách Về đi con – Nghe êm đềm đâu đó mộng đoàn viên như một lời nhắn nhủ rằng đôi khi ta cần dừng lại trên hành trình hối hả để không bỏ lỡ những yêu thương thân thuộc, bình dị trong cuộc đời.
Mỗi câu chuyện, mỗi nhân vật trong Về đi con – Nghe êm đềm đâu đó mộng đoàn viên như một tấm gương phản chiếu, giúp ta trân trọng hơn những nỗi đau, khát khao và những khoảnh khắc bình dị, ấm áp của đời thường.
Tác giả dẫn dắt người đọc vào thế giới của sự chân thành, nơi mà những giọt nước mắt không chỉ gắn liền với nỗi buồn mà còn mang đến sự giải thoát, niềm an ủi sau những bộn bề của cuộc sống. Những nhân vật như Trùng Dương, Bình Minh, Du Đăng, vị sư thầy đáng kính hay cả những con người đời thường như ông bà bán nước mía, cô gái từng lạc lối giữa những chông gai cuộc đời hay chàng trai đau lòng trước ngày xuất gia… tất cả đều để lại dấu ấn trong lòng độc giả.
Chia sẻ với độc giả, Mộc Trầm cho biết “nuối tiếc” là cảm xúc xuyên suốt trong những tác phẩm của mình. “Vì cuộc sống vô thường nên đổi thay quá nhanh. Vô thường là một triết lý đẹp trong Phật giáo. Bởi vì là vô thường, không có gì là bất biến, kể cả những người thân yêu của mình. Chúng ta không theo kịp sự đổi thay của cuộc sống nên tiếc nuối. Nhưng nếu hiểu rõ vô thường, ta sẽ không còn trăn trở nếu lỡ một mai mất đi những gì đang có”, tác giả chia sẻ.
Trong sách, Mộc Trầm làm nổi bật giá trị của sự trở về và những điều thân thuộc. Đó là khi ta quay về với gia đình, căn bếp nhỏ, bữa cơm giản dị nhưng đầy ắp yêu thương. Những điều giản đơn ấy lại trở thành điểm tựa vững chắc khi cuộc sống ngoài kia khiến ta chao đảo.
Trở về còn là tìm lại những người bạn thân thương, một cái ôm, một lời động viên hay đơn giản chỉ là sự lặng yên bên nhau để cảm nhận rằng mình không cô đơn giữa thế gian rộng lớn này.

Dù ngoài kia là bão tố, dù ta cảm thấy lạc lõng, thì vẫn luôn có một nơi bình yên chờ đón. Đó có thể là những ngôi chùa, lòng từ bi của những vị sư sẵn sàng dang tay che chở. Đó là nơi giúp ta nhận ra rằng, khi đủ tĩnh lặng, tâm ta sẽ sáng và giữa dòng đời vạn biến, ta vẫn có thể tìm thấy sự bình yên.
Như Mộc Trầm viết:
“Có rất nhiều lứa tuổi
Quỳ trước Phật ngoài sân
Chung cuộc thứ họ cần
Một cuộc đời tự tại.
Chợt thấy mình thật dại
Trói buộc tự do mình
Ôm ấp mãi vô minh
Rồi đi tìm cứu rỗi.
Sau những trận cuồng phong
Giữ vết xước trong lòng
Không tìm về bến giác
Lòng Thế Tôn dịu mát
Xin ôm lấy lòng con
Nguyện một đời sắt son
Không cãi lời Phật nữa!”
Sau tất cả, Về đi con là một lời nhắc nhở rằng đừng quên những yêu thương bình dị và thân thuộc nhất. Đôi khi, ta cần dừng chân giữa cuộc sống hối hả và tự hỏi: có điều gì mình đã từng bỏ lỡ chưa?