Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhận định trung tâm hành chính có vị trí rất quan trọng, thể hiện vị thế của tỉnh. Do vậy, việc đặt trung tâm hành chính ở đâu phải xem xét thật kỹ, xem nơi đó tạo được động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho cả tỉnh hay không.
Ông nêu ví dụ năm 2008, khi Hà Nội sáp nhập với Hà Tây và một số xã của Hòa Bình, Vĩnh Phúc, cơ quan “đầu não” của Thủ đô vẫn đóng ở các quận nội thành như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hà Đông.
“Thủ phủ của Hà Tây khi đó là Hà Đông giáp ranh với Hà Nội nên việc lựa chọn vị trí đặt trung tâm hành chính không quá khó khăn. Trụ sở các cơ quan nhà nước đóng ở địa điểm nào trong các quận nội thành cũng không mất quá nhiều thời gian đi lại của cán bộ, công chức và người dân”, ông Dĩnh dẫn chứng.
Với sự phát triển của kinh tế – xã hội như hiện nay, ông tin rằng những khó khăn, thách thức khi sáp nhập tỉnh sẽ sớm được giải quyết. Bởi phương tiện, đường sá hiện đại có thể khiến những cung đường xa thành gần. Công nghệ thông tin phát triển cũng có thể giúp người dân, doanh nghiệp giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng.
Để tránh lãng phí trụ sở khi sáp nhập tỉnh, ông Dĩnh cho rằng, cơ quan chức năng cần sớm rà soát, thống kê để có phương án định giá, chuyển công năng trụ sở không sử dụng. “Hợp nhất tỉnh, xã mà trụ sở bỏ không thì chỉ vài năm sẽ xuống cấp, gây lãng phí tài sản của nhà nước”, nguyên Thứ trưởng nói.
KTS Ngô Doãn Đức – nguyên Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, khi sáp nhập tỉnh, xã sẽ có rất nhiều trụ sở dôi dư. Theo ông, căn cứ vào vị trí địa lý, định hướng phát triển kinh tế – xã hội, cơ sở hạ tầng, cơ quan quản lý nhà nước có thể chọn một trong những trụ sở đó làm trung tâm hành chính.
Ông Đức nêu ví dụ trước đây tỉnh Hà Nam Ninh là Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định chung một tỉnh thì trung tâm nằm ở Nam Định. Hay tỉnh Hà Bắc gồm Bắc Ninh với Bắc Giang thì Bắc Giang là thủ phủ. Vì thời đó, Bắc Giang phát triển hơn, nhưng sau khi tách ra thì Bắc Ninh lại phát triển rất mạnh.
Theo ông, việc lựa chọn địa điểm đặt trung tâm hành chính tỉnh, thành ngày nay khác với trước đây rất nhiều. “Trong trường hợp 3 tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định sáp nhập với nhau, nếu lựa chọn mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với du lịch thì đặt ‘đầu não’ ở Ninh Bình là hợp lý”, ông Đức phân tích.
Do vậy, ông gợi mở, địa điểm đặt trụ sở tỉnh, thành nào sau sáp nhập phải gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội và thuận lợi cho việc điều hành, quản lý.
“Sau sáp nhập sẽ không thiếu nhà công vụ để các tỉnh lựa chọn làm trụ sở. Tuy nhiên, lựa chọn trung tâm hành chính ở vị trí nào thì phải tính toán kỹ”, ông Đức chia sẻ.
Nhìn lại lịch sử trước đây, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, việc chọn tỉnh lỵ cha ông ta thường chọn những nơi có truyền thống, vừa có khả năng tụ hội vừa có khả năng lan tỏa.
“Như năm 1010, vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La và đổi tên thành Thăng Long. Đây là nơi tụ hội của các con sông, vị trí trung tâm, địa hình bằng phẳng, thuận lợi cho việc di chuyển. Hay nhà Nguyễn khi chọn Huế làm kinh đô cũng phải xem phong thủy. Việc chọn tỉnh lỵ cho địa phương thời xưa cũng như thế”, ông phân tích.
Theo GS Vũ Minh Giang, việc chọn tỉnh lỵ bây giờ có khác so với trong lịch sử vì còn liên quan đến yếu tố phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Các cấp lãnh đạo sẽ tính đến nhiều yếu tố khi chọn đặt tỉnh lỵ ở đâu.
Trước ý kiến của một số người lo ngại việc sắp xếp lại đơn vị hành chính sẽ làm mất văn hóa của quê hương họ, ông nhấn mạnh: “Địa danh là một di sản, tuy nhiên không được nhầm lẫn giữa không gian văn hóa và địa giới hành chính. Bởi địa giới hành chính vẽ được trên bản đồ còn không gian văn hóa có vẽ được đâu, nó mang tính tương đối. Hai vấn đề này có quan hệ với nhau nhưng không trùng khít”.
PGS.TS Vũ Văn Phúc – Phó chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan đảng Trung ương, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản cho rằng khi sáp nhập 2 hoặc 3 tỉnh thì vấn đề đặt trụ sở của tỉnh mới ở đâu cũng phải cân nhắc rất thận trọng.
Ông dẫn kinh nghiệm ở Úc, thủ đô không ở thành phố lớn mà lại ở một thành phố nhỏ. Hay Indonesia cũng có phương án di dời thủ đô đến vị trí mới, xây dựng hiện đại.
“Với Việt Nam, khi sáp nhập 2 tỉnh thì tỉnh lỵ có thể đặt ở giáp ranh 2 tỉnh. Khi đó, cần đầu tư để tỉnh lỵ mới này trở thành một khu đô thị mới, hiện đại, tạo ra một thành phố mới để phát triển và là trung tâm của cả 2 tỉnh cũ”. Theo ông, đây là một phương án cần cân nhắc.
Ngoài ra, ông cũng lưu ý, không nên sáp nhập một cách cơ học, máy móc mà phải tính đến nhiều phương diện để làm sao tỉnh mới có các điều kiện tự nhiên thuận lợi như có cả vùng núi, trung du, đồng bằng, biển thì rất thuận lợi cho phát triển.