Trong từng trang viết, tình thầy trò hiện lên như một cánh cửa chữa lành, nơi những lầm lỡ, vấp ngã được đón nhận bằng sự bao dung và yêu thương. Với Về đi con!, Mộc Trầm không chỉ kể chuyện, mà còn mở ra một không gian để mỗi người tự nhìn lại, tìm về những giá trị chân thật nhất trong cuộc đời. Hãy cùng Saoviet247 khám phá ngay trong chuyên mục kì này nhé!
Dạ chào thầy Mộc Trầm, rất hân hạnh vì được trò chuyện cùng thầy trong số báo đặc biệt này của Saoviet247. Cuốn sách Về đi con! vừa ra mắt đã nhận được nhiều sự quan tâm từ độc giả. Trước khi đi sâu vào buổi trò chuyện này, thầy có thể chia sẻ một chút về cảm xúc của mình khi hoàn thành tác phẩm này không?
Chào quý đọc giả của Saoviet247! Kể từ khi hai quyển sách đầu tiên của Mộc Trầm (MT) ra mắt đến nay đã hơn 4 năm, đó cũng là khoảng thời gian “Về đi con” được ấp ủ và hình thành, một thời gian khá dài để Mộc Trầm chọn cách kể một câu chuyện. “Về đi con” khởi thảo trong những ngày Mộc Trầm gặp biến cố truyền thông đầu tiên của tuổi trẻ và cũng hoàn thành vào thời điểm Mộc Trầm đang chênh vênh với những sóng gió của riêng mình. Vì vậy, “Về đi con” là một dấu mốc thật đẹp đánh dấu bản thân đã vượt qua những tháng ngày đối diện với rất nhiều trăn trở và suy tư cho tuổi trẻ của mình, quyển sách cũng là một “nhân chứng” chân thật nhất cho một hành trình ngắm nhìn-lắng nghe-kể lại những điều nhỏ nhặt của cuộc sống. Mộc Trầm luôn tin là mọi thứ đều xuất hiện đúng thời điểm của nó, nên sự có mặt của tác phẩm này là thật đặc biệt để Mộc Trầm có “cớ” kể mọi người nghe về câu chuyện của chính mình.

Tựa đề Về đi con! gợi nhiều cảm xúc, là một câu chuyện về tình thầy trò trong cửa Thiền. Điều gì đã thôi thúc thầy chọn đề tài này?
“Về đi con! – Nghe êm đềm đâu đó mộng đoàn viên”, một câu chuyện mà Mộc Trầm phải mất nhiều năm để kể lại. “Về đi con” là một lời kêu gọi, thổn thức những bước chân lang bạt. Không hẳn là một quyển sách về gia đình, nhưng khi đọc xong, chắc chắn mọi người sẽ nghĩ đến gia đình. Một câu chuyện về tình Thầy trò chốn Thiền môn, Mộc Trầm muốn kể và giới thiệu đến các bạn trẻ và độc giả một loại tình cảm ít được kể, ít được nhắc đến nhưng nó đẹp và thiêng liêng không khác gì tình cảm của gia đình.
Trùng Dương là nhân vật chính của câu chuyện mà Mộc Trầm muốn kể và cũng là một phần tuổi trẻ của Mộc Trầm. Tuổi trẻ đó ngang tàng, bốc đồng, hết mình và liều lĩnh. Có thể khi đọc quyển sách này, Trùng Dương chỉ xuất hiện thông qua ký ức, nhưng Mộc Trầm mong rằng Trùng Dương sẽ khiến người đọc xót xa để nhìn lại chính mình.
Ai cũng có ước mơ của riêng mình, nó mạnh mẽ nhất trong mình còn ngun ngút thanh xuân. Lúc đó chúng ta không có gì ngoài một trái tim lành lặn. Chúng ta bất chấp gạt qua tất cả để lao mình chạm đến ước mơ. Khi nhận ra mình chạy quá nhanh và bỏ lỡ quá nhiều thứ, lúc đó mới nhận ra, thì ra chúng ta mang một ba lô đầy hối tiếc để chạm tay tới ước mơ của riêng mình. Mộc Trầm hy vọng đọc xong quyển sách này, vẫn còn kịp để giúp ai đó nhận ra mình có từng bỏ lỡ thứ gì hay không?
Cuốn sách có lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật không thầy ạ? Dạ nếu có, đâu là khoảnh khắc khiến thầy quyết định viết nên tác phẩm này?
Tất cả những câu chuyện của “Về đi con!”, ngay cả câu chuyện của Trùng Dương, có thể thật, cũng có thể là không. Nó sẽ thật khi người ta tìm thấy được chính mình trong một trang bất kỳ nào đó và sẽ là không khi họ chưa từng trải qua những khoảnh khắc như các nhân vật mà Mộc Trầm nhắc tới. Khi đọc sách, mọi người sẽ thấy là những câu chuyện trong này thật ra nó vẫn đang diễn ra xung quanh mình và có thể bắt gặp bất cứ lúc nào. Nhưng vì chúng ta là những người trẻ, những người đang bước rất nhanh để chạm tới giấc mơ của mình nên đôi lúc chúng ta lướt qua và bỏ qua cơ hội được ngắm nhìn thật kĩ. Khi một độc giả rung động với bất cứ câu chuyện hay một trang sách nào của Mộc Trầm, là họ đang rung động với chính câu chuyện của mình hay chính những gì mình đã gặp, nó sống dậy và đánh thức trái tim của họ.
Mỗi câu chuyện Mộc Trầm kể đều là mỗi lần Mộc Trầm được rung động khi chứng kiến những khoảnh khắc đẹp nhưng đời của cuộc sống. Mỗi lần rung động đó, cất lên một nốt nhạc, và nhiều lần rung động đã cử lên một điệu nhạc với rất nhiều cảm xúc. Một nốt nhạc không thể nào làm nên bài hát. Và đó là cách bài hát “Về đi con” được viết ra.
Tình thầy trò trong Thiền môn khác gì so với những mối quan hệ thầy trò thông thường mà chúng ta vẫn biết?
Nếu cha mẹ là người sinh ra, nuôi dưỡng và đưa ra những hướng đi đẹp cho cuộc đời thì người thầy trong Phật giáo là người dẫn dắt tinh thần không chỉ về nghệ thuật sống mà còn là người đồng hành trong hành trình tu dưỡng và giải thoát, người thầy luôn có mặt đúng lúc và đúng thời điểm trong mọi khoảnh khắc lạc lối của cuộc đời. Người thầy sẽ giúp tâm hồn được tái sinh một lần nữa thông qua những lời dạy của đức Phật. Vì vậy, mối quan hệ này đặc biệt thiêng liêng và được trân trọng đối với những người con Phật. Qua câu chuyện của Trùng Dương trong sách “Về đi con”, Mộc Trầm đã kể lại câu chuyện đó dưới góc nhìn của một người thầy để mọi người thấy là thì ra người thầy đó là hiện thân trọn vẹn của đức Phật, của cha mẹ, của một người đồng hành. Người thầy với đầy đủ sự yêu thương, an toàn và trăn trở. Vì vậy, Mộc Trầm chọn cách ngồi lại, đặt mình vào tâm thế của một người người thầy, ngắm nhìn những người con của mình. Và có một điều Mộc Trầm đã giật mình nhận ra khi ngồi vào vị trí đó, thì ra, chỉ có chúng ta mới vẫy vùng oán trách gia đình trong ảo tưởng của riêng mình, còn người lớn, họ chỉ có yêu thương và im lặng. Họ chấp nhận bao dung để chúng ta trưởng thành trong chính xót xa lúc giật mình. Nước mắt muôn đời vẫn chảy xuôi.

Trong cuộc sống hiện đại, nhiều người dường như đang đánh mất sự kết nối với gia đình, với chính mình. Theo thầy, “trở về” ở đây không chỉ là về mặt địa lý mà còn mang ý nghĩa tinh thần đúng không?
Trong chúng ta có hai ngôi nhà để trở về, ngôi nhà “huyết thống” và ngôi nhà “tâm linh”. Ngôi nhà huyết thống ở đó có ba mẹ, có gia đình và kỉ niệm. Với rất nhiều người, đó là lý do và động lực để chúng ta cố gắng. Ngôi nhà tâm linh là nơi bạn đặt niềm tin của mình để có thêm chất liệu hoàn thiện chính mình. Đó có thể là đức Phật, đức Chúa trời hay một biểu tượng tâm linh nào đó. Sẽ có những lúc và những câu chuyện các bạn không thể nào trò chuyện được với ngôi nhà huyết thống của mình, thì lúc đó, ngôi nhà tâm linh là nơi an toàn để các bạn gửi gắm, và cũng sẽ có những thứ các bạn học được ở ngôi nhà tâm linh mà ngôi nhà huyết thống không có. “Trở về” là lời hiệu triệu các bạn hãy nhìn lại khi gặp bất cứ sóng gió nào, tìm cho mình một ngôi nhà phù hợp để được vỗ về và an ủi. Mỗi ngôi nhà đều có chức năng riêng của mình và ở mỗi khoảnh khắc khác nhau trong cuộc đời, chúng ta sẽ cần một nơi khác nhau để trở về. Sự “trở về” thứ hai Mộc Trầm muốn nói tới là trở về đối thoại với chính mình. Chúng ta có rất nhiều lý do để tổn thương và rất nhiều cách để chữa lành. Nhưng Mộc Trầm nghĩ hơn ai hết, chúng ta mới là người hiểu hết căn bệnh của chính mình và vấn đề mình gặp phải. Đối thoại với chính mình là đối thoại với tổn thương của mình, là sống thật với chính cảm xúc của mình. Giải pháp sẽ xuất hiện khi nhìn thẳng vào vấn đề. Đó là cách mà rất nhiều nhà tâm lý học đã chữa lành những vết thương tâm lý của các bệnh nhân khi đưa họ trở về đối diện với nỗi đau quá khứ bằng phương pháp thôi miên.
Gần đây tác phẩm “Về đi con!” được đông đảo độc giả đã đón nhận. Đã có ai sau khi đọc xong cuốn sách này tìm đến thầy để chia sẻ câu chuyện của chính họ chưa?
Điều hạnh phúc nhất của Mộc Trầm là Mộc Trầm may mắn được đi rất nhiều nơi, gặp rất nhiều người và lắng nghe được rất nhiều câu chuyện, từ đó Mộc Trầm càng có nhiều chất liệu hơn cho những quyển sách của mình, có cái nhìn đa chiều hơn về cuộc sống và từ đó cũng học được rất nhiều bài học của mọi người. Từ quyển sách đầu tiên đến nay, hàng ngày Mộc Trầm vẫn nhận được rất nhiều tin nhắn, lời tâm sự và chia sẻ của độc giả ở khắp nơi, ở mọi lứa tuổi gửi về cho mình. Có thể là cảm nhận về tác phẩm, họ đã xúc động ra sao, họ đã cười ra sao, họ đã tìm thấy mình và thay đổi thế nào… đây mới thật sự là điều hạnh phúc của người cầm viết. “Về đi con” cũng vậy, từ ngày ra mắt đến nay, Mộc Trầm đọc rất nhiều phản hồi của độc giả ở khắp các nền tảng cũng như tin nhắn của mọi người gửi đến mình. Điều hạnh phúc đầu tiên là độc giả thật sự yêu thương và ghi nhận những gì mình gửi đến cũng như ưu ái dành cho mình một vị trí thật đẹp trong trái tim của mọi người. Kế đến, mọi người đã kể cho mình nghe những câu chuyện trong chính cuộc đời của mọi người, nó đã sống dậy khi đọc quyển sách này ra sao và mọi người đã thay đổi cách nhìn của bản thân thế nào. Có những câu chuyện mà nếu không được nghe kể, thì mình phải sống thật lâu nữa mới có thể chứng kiến hết được. Mộc Trầm thật sự biết ơn vì điều đó.
Một cuốn sách có thể chạm đến những ngõ ngách sâu thẳm trong tâm hồn người đọc. Qua tác phẩm này, thầy mong muốn gửi gắm thông điệp gì đến độc giả?
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà ai cũng đang tăng tốc để chạm đến thành công, những mục tiêu đã đặt ra cho tuổi trẻ của mình. Đồng thời, áp lực đồng trang lứa đang là áp lực vô hình để các bạn quên đi mình phải làm thế nào để tuổi trẻ trôi qua mà không có gì phải nuối tiếc. Chính vì chúng ta cứ chăm chăm vào mục tiêu trước mắt mà quên rằng hai bên đường mình đang đi còn rất nhiều hoa thơm, cảnh đẹp và còn rất nhiều khoảnh khắc sẽ không gặp lại lần nữa trong đời. Mộc Trầm mong rằng chúng ta vẫn cứ đi, vẫn hướng đến cái đích đã vạch ra nhưng với tâm thế ung dung, tự do, và tận hưởng. Bởi vì đức Phật dạy mọi thứ trong đời là luôn luôn thay đổi (Vô thường) nên khi một khoảnh khắc đã qua sẽ không bao giờ có lại, lúc đó, thứ còn lại chỉ là hối tiếc. Chúng ta rồi sẽ có được những thứ mà mình từng mơ ước, ngồi vào vị trí mà mình từng khát khao, nhưng mong là sẽ không phải cất lên sự hối tiếc nào khi nhìn lại những ngày thương đã mất.

Nếu chỉ có thể nói một câu với những người đang lạc lối, thầy sẽ nói gì?
Chúng ta có hai lý do để lạc lối, một là quên mất lý do để bắt đầu và hai là không xác định rõ mục tiêu. Động lực sẽ mất đi khi hai lý do này xuất hiện. Vậy thì muốn giải quyết vấn đề thì chỉ cần tìm về lý do của nó. Bạn bắt đầu từ đâu? Lý do gì bạn đã bắt đầu? Bạn muốn đi đâu và bạn muốn mình trở thành người thế nào? Bạn hãy hỏi lại chính mình. Nhưng vấn đề cốt yếu ở đây là các bạn không chịu ngồi lại trò chuyện với chính mình mà cứ chạy theo những niềm vui nhất thời để thỏa lấp những tổn thương nho nhỏ. Các bạn quên là vấn đề sẽ còn mãi ở đó và sẽ không bao giờ biến mất nếu như không giải quyết. Các bạn chưa thỏa hiệp được với chính mình. Càng không ngồi lại thỏa hiệp, các bạn sẽ càng lạc. Các bạn có thể đọc sách, đó là cách đối thoại và tìm lại chính mình hiệu quả nhất. Dành thời gian ở một mình, note lại tất cả những lý do để bắt đầu và lý do phải đạt được mục tiêu là gì. Đó là “sống chậm”. Sống chậm là bước đi thật chậm, nhìn thật sâu và cảm nhận thật rõ ràng. Chỉ cần bạn bước đi thật chậm thôi, sẽ phát hiện ra vũ trụ đang bày ra cho chúng ta rất nhiều dấu hiệu và giải pháp.
Sau Về đi con!, thầy có dự định viết tiếp những tác phẩm theo hướng này không?
Mộc Trầm vẫn sẽ tiếp tục lắng nghe, quan sát và chiêm nghiệm. Mộc Trầm vẫn sẽ làm người kể lại hành trình “tìm Phật” trong những câu chuyện đời thường. Đến khi nào vẫn còn người yêu thương, người chờ đợi, người giật mình và hoan hỉ qua những gì Mộc Trầm kể, Mộc Trầm vẫn sẽ viết. Mộc Trầm không nói hay để ngồi trên pháp tòa thuyết giảng, Mộc Trầm không đủ uyên bác để tạo nên những công trình tầm cỡ, Mộc Trầm chấp nhận làm cái công việc vừa với sức của mình, đó là giới thiệu đến mọi người hình ảnh của một đạo Phật dễ thương và gần gũi qua từng tác phẩm. Mỗi người đều có một sứ mệnh riêng và sứ mệnh sẽ thực sự bắt đầu khi trái tim rung lên vì điều đó. Có lẽ, sứ mệnh của Mộc Trầm đã bắt đầu từ khi lần đầu tiên chạm tay vào bàn phím.
Nếu độc giả muốn kết nối với thầy hoặc tìm hiểu thêm về những tác phẩm của thầy, độc giả liên hệ thầy qua những kênh nào?
Hiện tại các tác phẩm của Mộc Trầm đều được phát hành trên tất cả các sàn thương mại điện tử cũng như các nhà sách trên toàn quốc, các bạn có thể tìm đọc ở bất kì đâu. Và nếu các bạn muốn đồng hành cùng Mộc Trầm trong những khoảnh khắc đẹp, những cảm xúc chưa tìm được trong sách thì có thể follow Facebook cá nhân của Mộc Trầm cũng như cập nhật tình hình nếu Mộc Trầm có tác phẩm mới! Cảm ơn rất nhiều!
“Về đi con!” không chỉ là một cuốn sách, mà là lời mời gọi đầy yêu thương từ thầy Mộc Trầm dành cho những tâm hồn lạc bước. Ẩn chứa sau từng trang viết là tình thầy trò thiêng liêng – một cánh cửa chữa lành cho tuổi trẻ đầy chênh vênh. Đọc để thấy mình, để thấu người, và để trở về – không chỉ là nơi chốn, mà còn là nơi trái tim được yên bình trú ngụ.