Vượt sóng gió, đổi mới không ngừng
Ít ai biết rằng, khi bắt đầu gắn bó với Công ty CP Vàng Bạc – Đá quý Phú Nhuận (PNJ) vào năm 1988, bà Cao Thị Ngọc Dung đang giữ vị trí Trưởng Phòng Kế hoạch tại Công ty Nông sản – Thực phẩm quận Phú Nhuận, TP.HCM. Chính thời điểm đó, bà được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc PNJ – một bước ngoặt đầy bất ngờ và thử thách trong sự nghiệp của bà. Lúc mới thành lập, PNJ chỉ là một đơn vị nhỏ bé, cơ sở vật chất thiếu thốn, tài sản ban đầu chỉ tương đương khoảng 7,4 lượng vàng.
Hành trình lãnh đạo của bà Dung từ đó gắn liền với những thăng trầm của nền kinh tế. Khủng hoảng tài chính 2008 – 2011, đại dịch Covid-19 đủ sức quật ngã nhiều doanh nghiệp lớn. Nhưng với tầm nhìn chiến lược và bản lĩnh phi thường, bà Ngọc Dung không chỉ giúp PNJ đứng vững mà còn tạo ra những bước đột phá ngoạn mục.
Khi nhiều doanh nghiệp co cụm, thu hẹp quy mô để “phòng thủ”, bà Dung lại chọn cách “tiến công”. Bà không nhìn thấy khủng hoảng mà nhìn thấy cơ hội để cải tổ Công ty, để tái định vị thương hiệu. “Trong những giai đoạn khó khăn nhất, cơ hội luôn hiện hữu đối với những người dám nghĩ, dám làm và biết nhìn xa” – bà khẳng định.
Với quyết tâm, bản lĩnh và sự nhạy bén đặc biệt, bà Ngọc Dung cùng CEO Lê Trí Thông đã chèo lái PNJ vượt qua mọi khó khăn, từng bước phát triển thành thương hiệu trang sức hàng đầu Việt Nam như ngày hôm nay.
Kiến tạo văn hóa doanh nghiệp
“Tôi tin rằng, sự kết hợp giữa trải nghiệm của thế hệ đi trước và tư duy nhạy bén của thế hệ trẻ sẽ tạo ra những giá trị đột phá” – Ngọc Dung chia sẻ.
Bà luôn nhấn mạnh các giá trị cốt lõi mà PNJ hướng đến: Chính trực để trường tồn – Kiên định bám mục tiêu – Tiên phong tạo khác biệt – Quan tâm cùng phát triển – Tận tâm vì khách hàng. Những giá trị này được bà xây dựng và vun đắp qua từng hành động cụ thể, từ cách ứng xử giữa lãnh đạo và nhân viên cho đến dịch vụ dành cho khách hàng. Chính văn hóa doanh nghiệp nhân văn ấy đã giúp PNJ thu hút và giữ chân người tài, hình thành đội ngũ nhân sự trung thành, sáng tạo và tận tâm.
“Thành công không chỉ là những con số trên bảng kế toán mà còn là dấu ấn để lại trong trái tim khách hàng, là giá trị mang lại cho cộng đồng, và là di sản truyền lại cho thế hệ sau” – bà Dung chia sẻ. Đó là lý do vì sao PNJ không chỉ tập trung vào việc bán hàng mà còn đầu tư vào nghiên cứu, vào phát triển nguồn nhân lực, vào trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường. PNJ đã triển khai rất nhiều chương trình, hoạt động xã hội ý nghĩa, hướng đến việc hỗ trợ cộng đồng và thúc đẩy phát triển bền vững, đặc biệt chú trọng hỗ trợ phụ nữ, trẻ em yếu thế…

Vượt lên định kiến giới
Trong một xã hội mà vai trò lãnh đạo doanh nghiệp vẫn thường được gắn với nam giới, bà Dung đã khẳng định phụ nữ không chỉ làm tốt mà còn có thể làm xuất sắc. Bà không cần phải từ bỏ nữ tính để thành công, ngược lại, chính sự tinh tế, nhạy cảm và khả năng kết nối đã trở thành lợi thế cạnh tranh của bà.
“Tôi không thể ngừng học, vì ngừng học là tụt lại phía sau” – bà chia sẻ, và đó không chỉ là việc cá nhân mà còn là văn hóa mà bà truyền cho tất cả anh chị em trong Công ty. Bà tin rằng, trí tuệ sẽ vượt lên, xóa đi những định kiến về giới.
Dù không còn trực tiếp điều hành hoạt động hằng ngày của PNJ, tầm ảnh hưởng của bà Cao Thị Ngọc Dung vẫn hiện diện trong mỗi quyết định chiến lược, trong mỗi bước đi của Công ty. Hành trình của bà và PNJ là chuyện về một người phụ nữ đã vượt qua mọi rào cản để hiện thực hóa khát vọng, về một thương hiệu Việt đã vươn mình mạnh mẽ trên thương trường quốc tế, và về cách mà tầm nhìn, bản lĩnh và trái tim nhân ái hòa quyện để tạo nên những điều tốt đẹp. Trong kỷ nguyên vươn mình của doanh nghiệp Việt Nam, bà thể hiện bản lĩnh là người kiến tạo, người góp phần dẫn lối cho một thế hệ doanh nhân mới dám nghĩ lớn, dám làm lớn và dám khẳng định bản sắc Việt trên bản đồ kinh tế thế giới.